Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

VÉ MÁY BAY GIÁ RẺ - ĐẾN NĂM 2020 HÀNG KHÔNG GIÁ RẺ LÀ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG PHỔ BIẾN VÀ THUẬN TIỆN




"Đến năm 2020: Hàng không là phương tiện giao thông phổ biến và thuận tiện"




Khuyến khích các nguồn vốn đầu tư, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước có đủ điều kiện tham gia đầu tư, khai thác cảng hàng không, sân bay là một trong những nội dung của Dự thảo điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT hàng không Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được đưa ra tại cuộc họp chiều 15/11 do Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu chủ trì.


Theo Dự thảo của Cục Hàng không Việt Nam, định hướng phát triển GTVT hàng không đến năm 2020 là giao thông hàng không phải trở thành phương tiện giao thông phổ biến và thuận tiện. Phát triển mạng đường bay nội địa phủ khắp các vùng miền của đất nước và mạng đường bay quốc tế nối Việt Nam tới tất cả các khu vực của thế giới với trung tâm là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Thúc đẩy việc mở các đường bay quốc tế đến các cảng hàng không quốc tế khác của Việt Nam.



Xây dựng đội tàu bay gồm các chủng loại tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, tàu bay chở hàng, với tỷ lệ sở hữu của Việt Nam đạt trên 50% (tính theo đầu tàu bay). Về cảng hàng không, ưu tiên tập trung đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh. Khai thác có hiệu quả các cảng hàng không đã được đầu tư đồng bộ như cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc. Tiếp tục cải tạo mở rộng nâng cấp các cảng hàng không địa phương theo quy hoạch. Huy động mọi nguồn lực cho việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.



Về đảm bảo hoạt động bay, xây dựng kế hoạch chuyển tiếp và triển khai thực hiện các hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu (CNS/ATM) mới phù hợp với kế hoạch và lộ trình chuyển đổi trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, với hướng tiếp cận thẳng vào công nghệ cao sử dụng vệ tinh và kỹ thuật số.



Một số lĩnh vực khác của hàng không như phát triển công nghiệp hàng không, đảm bảo an ninh, an toàn giao thông hàng không, bảo vệ môi trường trong giao thông hàng không cũng đã được nêu ra trong Dự thảo này. Cụ thể, về phát triển công nghiệp hàng không, sẽ tăng cường năng lực sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, động cơ tàu bay và các trang thiết bị chuyên ngành, đảm bảo tự chủ trong việc cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay cho các hãng hàng không trong nước, tiến tới mở rộng dịch vụ cho các hãng hàng không nước ngoài.






Về đảm bảo an ninh, ATGT hàng không, nâng cao năng lực bảo đảm an toàn hàng không đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng và thực hiện chương trình An toàn quốc gia (SSP); triển khai thực hiện đồng bộ chương trình quản lý an toàn (SMS) đối với cả 3 lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay, quản lý hoạt động bay, khai thác cảng hàng không, sân bay. 

Nâng cao năng lực phân tích giải mã đánh giá và quản lý rủi ro uy hiếp an toàn hàng không. Về bảo vệ môi trường trong giao thông hàng không, tham gia tích cực vào kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020 đối với lĩnh vực hàng không dân dụng; ban hành và thực hiện chính sách bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng.





Đến năm 2030, theo Dự thảo này, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có ngành hàng không phát triển và nằm trong tốp 3 nước dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về hàng không. Hoàn thành thực hiện quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. 

Bên cạnh đó, đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành một trong những trung tâm hàng không lớn của khu vực, tiếp tục xây mới các cảng hàng không theo quy hoạch. Đảm bảo hệ thống quản lý hoạt động bay hiện đại, đảm bảo tầm phủ của các trang thiết bị liên lạc, dẫn đường và giám sát theo yêu cầu nhiệm vụ trong toàn bộ vùng FIR của Việt Nam theo đúng kế hoạch không vận của ICAO

Theo baomoi.com




1 nhận xét: